Pages

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Sửa chữa điện thoại: Nghề hot!

“Đập chết vài con máy của khách, đền chừng chục triệu đồng là thành thợ thôi.?”. Đó là lời đúc kết từ kinh nghiệm xương máu của những người đã trải qua thời kỳ học nghề cực khổ.

Nở rộ chương trình dạy

Ái Chinh hiện đang là điều dưỡng viên. Dù phải thường xuyên trực đêm, ngày lại bận túi bụi nhưng bạn vẫn đăng ký theo học khóa học sửa chữa điện thoại, máy tính bảng mới nhất. Theo Ái Chinh, nếu có sự đam mê, nỗ lực thì nam hay nữ đều có thể làm được mọi việc. Được học tập và làm việc theo sở thích thì khó khăn không còn là khó khăn mà là sự chinh phục. Chinh theo học khóa này vì thích thiết bị điện tử và muốn có kiến thức về nó.

Còn anh Đỗ Thanh Phước cũng học vì niềm đam mê. Hiện anh đang kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực chay, công việc rất tốt nên anh không hề có ý định đổi nghề mà chỉ muốn thêm nghề. Sắp tới, sau khi học xong lớp đào tạo sửa chữa điện thoại, anh dự định mở cửa hàng kinh doanh hoặc sửa chữa máy tính bảng.

Có thể nói, khi lượng người dùng smartphone và máy tính bảng tăng nhanh, nhu cầu sửa chữa, cài đặt, nâng cấp cho các thiết bị này cũng tăng theo. Để theo kịp công nghệ mới của các dòng smartphone và máy tính bảng, người thợ sửa máy dù dày dặn kinh nghiệm đến đâu vẫn phải cập nhật kiến thức, ngay cả giảng viên cũng vậy. Người lành nghề có thể tự mày mò để nâng cao trình độ nhưng có người phải đi học thêm mới tiếp cận được.

Những người đã ra nghề một thời gian chỉ cần học thêm vài khóa chuyên sâu về smartphone, máy tính bảng. Nhưng đối với những người mới học, họ không thể nhảy ngang học ngay cái khó, mà phải học từ thấp lên cao, nắm vững kiến thức cơ bản về sửa chữa điện thoại di động nói chung, từ đó học nâng cao lên để sửa các loại điện thoại đời mới sau này. Vì cấu tạo điện tử của điện thoại và máy tính bảng gần giống nhau, chỉ khác ở con IC quản lý dịch vụ nhà mạng, nên bạn phải sửa được điện thoại di động mới học bổ sung sửa chữa máy tính bảng.

Hiện nay, có rất nhiều trung tâm dạy nghề và cửa hàng có khóa học sửa chữa điện thoại. Mỗi nơi có chương trình học và giáo trình khác nhau. Những nơi dạy sửa điện thoại di động thì nhiều, nhưng dạy nâng cao để sửa các dòng điện thoại smartphone, máy tính bảng thì chưa phổ biến. Do phong trào dùng smartphone và máy tính bảng mới rộ lên gần đây nên một số trung tâm dạy nghề hay cửa hàng sửa điện thoại chỉ mở thêm các khóa chuyên đề về iPhone, smartphone, bên cạnh các khóa dạy sửa điện thoại di động đã có từ trước. Do đó người học phải học nhiều lớp mới đủ kiến thức.

Có thể tham khảo chương trình học của các trung tâm lớn như Chuyên gia Mobile có các lớp dạy sửa điện thoại di động cơ bản, lớp nâng cao, lớp bao nghề giúp học viên vừa học vừa làm, lớp chuyên đề iPhone; Công ty CPS Việt Nam có các lớp smartphone chuyên sâu; Trung tâm Tin học Đại học Khoa học Tự nhiên vừa mở lớp từ cơ bản đến nâng cao, trong đó thời lượng học về smartphone, đặc biệt về máy tính bảng khá nhiều.

Trong khi trung tâm đào tạo vừa dạy lý thuyết vừa thực hành thì các cửa hàng sửa điện thoại chủ yếu dạy thực hành, học sửa lỗi trên từng thiết bị là chủ yếu. Cách dạy và học này giúp người học va chạm thực tế nhưng lại không vững về kiến thức nền tảng, nên nếu gặp những tình huống ngoài chương trình học ở lớp, học viên sẽ không tự tư duy, tìm ra lỗi được.

Vì giáo trình mỗi nơi khác nhau, nên học phí cũng khác nhau. Để giúp người học sắp xếp thời gian học hợp lý và có khả năng đóng học phí, một số trung tâm đã chia nhỏ thành nhiều khóa học, với học phí từ 2.000.000 - 3.800.000đ/lớp. Riêng những chương trình đã tích hợp sẵn nhiều môn thì học phí sẽ từ 6.500.000 - 8.000.000đ, có nơi đến 10.000.000đ.

Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu kỹ xem các khóa học này có thời lượng thực hành là bao nhiêu, có được thực hành trên thiết bị thật không, vì có một số nơi đào tạo chỉ dạy lý thuyết hoặc dụng cụ thực hành quá ít, lỗi thời. Theo giảng viên Phạm Đình Huy, Trung tâm Tin học - trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, khoảng 70% học viên trong lớp dạy sửa chữa điện thoại, máy tính bảng đều đang làm một nghề khác không liên quan gì đến lĩnh vực công nghệ này và có dự định tự kinh doanh. Anh cũng cho biết nghề này rất vất vả, phải mê lắm mới theo nghề được.

“Vọc” càng nhiều càng tốt

Nickname Vnlink, thành viên diễn đàn kỹ thuật saigonmobile.vn, kêu cứu rằng bạn mới học sửa chữa điện thoại cũng được gần 3 tháng mà chỉ toàn học lý thuyết, không thực hành nhiều và có ít máy để thực tập. Nên khi có máy điện thoại bị hư bạn không biết làm sao để tìm ra bệnh của máy? Hiện giờ bạn đang rất lúng túng không biết bắt đầu lại từ đâu, tâm trạng thì chán nản nên muốn bỏ nghề mà bạn yêu thích.

Tâm sự của Vnlink đã nhận được rất nhiều lời khuyên của cộng đồng diễn đàn và trở thành chủ đề nóng sốt để mọi người bàn luận. Mọi người đều động viên bạn không nên nản chí. Lúc khởi đầu ai cũng vậy, thấy khó nên ngại, thấy cực và vất vả quá nên bỏ nghề luôn. Linh kiện điện tử rất nhỏ, muốn sửa chúng phải hết sức tập trung, khéo tay, tỉ mỉ, cẩn thận từng chút một. Cái nghề này vốn là như thế nên muốn theo nghề thì phải kiên trì, nhẫn nại, chịu cực chịu khó. Ngoài ra, ý nghĩ học lý thuyết suôn không ích lợi gì và là nguyên nhân khiến bạn không thực hành được là hoàn toàn sai lầm.

Học lý thuyết rất cần thiết, nắm vững lý thuyết sẽ giúp bạn hiểu được cấu tạo, hoạt động của chiếc điện thoại, nguyên lý của từng linh kiện, từ đó mới tìm ra đúng bệnh, giỏi lý thuyết mới thao tác thực hành chuẩn, chính xác. Chuẩn bệnh phải có căn cứ chứ không làm liều, nếu không phải đền máy cho khách hàng.

Nếu thấy khó quá, có thể nhờ những người giàu kinh nghiệm trên các diễn đàn hướng dẫn. Nichname thuyetvu cho biết: “Trước kia mình học ở trung tâm được 6 tháng, nhưng chẳng biết mô tê gì cuối cùng là tự mày mò, rồi nhờ các anh trên diễn đàn chỉ dẫn nữa”. Bạn Chucuongthinh cũng đồng ý rằng: “Mình học có 3 tháng là ra mở cửa hàng riêng rồi nè, bạn nên đi học một khoá về phần cứng rồi tự tìm hiểu trên các diễn đàn là được thôi”.

Khi đã nắm vững lý thuyết cơ bản, đến phần thực hành, bạn phải “vọc” nhiều trên thiết bị thật mới mau ra nghề được. Đặc điểm của nghề này là càng sửa nhiều càng thành thạo, càng làm chết nhiều máy lại càng giỏi. Thanhtaigsm nhớ lại cái thời mới học nghề, bạn nói lúc đầu cũng nản lắm nhưng từ khi sửa điện thoại samsung đầu tiên, bạn cảm thấy rất vui sướng. Sau đó cứ mỗi lần sửa được thêm một chiếc điện thoại là bạn lại tiến bộ hơn.

Để có đồ nghề dồi dào, bạn có thể mua điện thoại cũ, điện thoại hư để tự sửa với mức giá khoảng 400.000 - 500.000đ. Nếu biết chỗ mua sẽ tìm được hàng giá 100.000- 200.000đ. Ngoài ra có một cách được nhiều người chọn, đó là tìm cửa hàng sửa chữa điện thoại để làm thêm không lương.

Nickname Timlaiminh đúc kết từ kinh nghiệm của bản thân rằng hồi đó vì thấy thị trường rộng lớn và tiềm năng nên mới học được một tháng bạn đã ra mở cửa hàng riêng. Tuy có nhiều khách hàng nhưng giờ nghĩ lại bạn thấy mình liều quá. Cho nên những bạn mới học cứ từ từ học thôi, học lâu sẽ thành thạo. Còn nếu thị trường đang “ngon ăn” thì cứ mạnh dạn mở cửa hàng, sau đó điện thoại nào không sửa được thì thuê chỗ sửa, học hỏi dần dần vừa tích lũy vốn vừa tích lũy kinh nghiệm. Bạn kể lại: “Ngày trước mình chỉ biết thay micro, loa, công tắc, vỏ phím...thôi nhưng giờ đây sau 2 năm nhìn lại cũng thấy hài lòng với mình. Hồi đó cũng đã đập chết trên hai con số máy khách rồi…”

 


Theo: QUỲNH TRANG
Nguồn: echip.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét